Thân thế Mã Thiên Thừa

Trong những năm Kiến Viêm (1127 – 1130), triều đình Nam Tống thiết lập Thạch Trụ an phủ ti [1]. Trong những năm Cảnh Định (1260 -1264), Mã Định Hổ, tự nhận là hậu duệ đời thứ 39 của Phục ba tướng quân Mã Viện đời Hán, nguyên quán Mậu Lăng Trang, Phù Phong, Thiểm Tây, nhờ công dẹp người man Ngũ Khê, được ban chức Thạch Trụ an phủ sứ, con cháu được thế tập.

Năm Hồng Vũ thứ 7 (1374), Thạch Trụ an phủ sứ Mã Khắc Dụng (nhận chức từ đời Nguyên, không rõ là cháu mấy đời của Định Hổ) thần phục nhà Minh. Năm thứ 8 (1675), triều đình đổi Thạch Trụ an phủ ti làm Thạch Trụ tuyên phủ ti thuộc phủ Trùng Khánh. Theo tiếng Thổ Gia, Mã Khắc Dụng được gọi là Mã Thập Dụng. Không có tài liệu nào ghi lại quá trình chuyển đổi từ Mã Định Hổ, dân tộc Hán đến Mã Khắc Dụng, dân tộc Thổ Gia.

Phả hệ các đời Thổ ti nhà họ Mã cho đến Mã Thiên Thừa như sau: Mã Khắc Dụng → Mã Lương → Mã Ứng Nhân → Mã Trấn → Mã Phủ → Mã Trừng → Mã Trưng → Mã Long → Mã Tố → Mã Đấu Hộc → Đàm thị (xưng chế) → Mã Thiên Thừa.

Mẹ của Thiên Thừa là Đàm thị yêu người con thứ là Thiên Tứ nhiều hơn, thậm chí còn lấy con gái của thổ ti Bá Châu là Dương Ứng Long - tình nhân của Đàm thị - cho làm vợ Thiên Tứ. Nhưng dưới sức ép từ gia tộc họ Mã và triều đình nhà Minh, Thiên Thừa, vốn là con trưởng, vẫn được lập làm Tuyên phủ sứ.